Lễ hội đang bị “hành chính hóa”  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Nếu như thực hành lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm còn giữ nguyên được các giá trị vốn có, thì việc thực hành lễ hội tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn đang làm cho nhiều người băn khoăn. Bởi trong quá trình thực hành lễ hội đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, quy trình tổ chức Hội Gióng có thêm lễ khai mạc, bế mạc, lễ vật trong lễ hội cũng được Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn đề xuất thay đổi. Nếu như từ năm 1988 đến 2011, “Thần mã” của thôn Phù Mã, xã Phù Linh là biểu tượng ngựa sắt để tế Thánh, thì đến năm 2012 đã được chuyển thành ngựa đan tre để “hóa” cùng voi. Hay việc rước cầu của thôn Xuân Dục không có trong kịch bản hội Gióng đền Sóc Sơn, nhưng cũng được đưa vào lễ hội từ năm 2000. Nghi thức Chém tướng giặc - một trong những nghi lễ chính của lễ hội, đồng thời là một cao trào của Hội Gióng, nhưng tại Hội Gióng Sóc Sơn năm 2014 không còn nghi thức này nữa. Tướng sau khi được đưa lên sân Rồng (đền Thượng) làm lễ, thay vì được cõng lên núi Chém Tướng để thực hiện nghi thức, thì lại được đưa vào hậu cung.


Lễ hội Gióng tại đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn).
Lễ hội Gióng tại đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn).

Trước thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa băn khoăn đặt câu hỏi về ảnh hưởng của những thay đổi đó đến giá trị của Hội Gióng; việc thay đổi có nhận được sự đồng thuận của cộng đồng hay không? Các giá trị của lễ hội nếu cứ bị thay đổi như thế liệu có còn thu hút được khách du lịch hay không? Bởi thực tế, cái hay, cái hấp dẫn của Hội Gióng chính là những giá trị truyền thống gắn với công lao đánh thắng giặc Ân của Phù Đổng Thiên Vương, được người dân gìn giữ từ đời này sang đời khác tạo nên những khác biệt so với các lễ hội khác.

Bài học về thực hành lễ hội ở nhiều địa phương khác thời gian qua đã cho thấy do ý thức chủ quan và khách quan khiến lễ hội mất đi nhiều yếu tố dân gian. Cả phần nghi lễ lẫn các trò chơi trong ngày hội bị biến đổi theo xã hội hiện đại, làm cho bản sắc của lễ hội không còn nguyên vẹn.

Cộng đồng chính là người nắm giữ và thực hành di sản. Vì vậy, trong thực hành lễ hội, cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng. Sự thay đổi trong thực hành lễ hội Gióng ở đền Sóc Sơn có một phần do các nghi lễ bị “hành chính hóa”. Ngược lại, Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cơ bản vẫn giữ nguyên cách thức, quy trình vận hành, tổ chức theo nghi thức truyền thống. Ban quản lý di tích đền Phù Đổng gồm lãnh đạo xã Phù Đổng, ban, ngành, đoàn thể trong xã và đại diện của các thôn. Tuy nhiên, nhân sự đều là người làng Phù Đổng, đã có nhiều trải nghiệm về Hội Gióng từ nhỏ và là thành viên của cộng đồng Hội Gióng. Điều quan trọng, Ban quản lý rất chú trọng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, quan tâm đến thực hành di sản cũng như con người nắm giữ di sản ấy. Nhờ có Ban thường trực của đền mà quy tắc vận hành của hội vẫn được duy trì, các ông Hiệu thực hành nghi lễ nghiêm túc. Vì vậy, Hội Gióng đền Phù Đổng mang những đặc thù riêng, thể hiện tính chất hào hùng của một hội trận. Việc thực hành lễ hội được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người đi sau luôn được người đi trước hướng dẫn, chỉ bảo.


Lễ hội Gióng đền Phù Đổng - Gia Lâm - Hà Nội

Theo ông Nguyễn Văn Huy, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, cộng đồng phải được khuyến khích, tạo điều kiện để chủ động tham gia trong vai trò chủ thể văn hóa. Mọi hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đều không thể thành công nếu không có sự tham gia của cộng đồng. Tất cả các việc giảm thiểu vai trò của cộng đồng hoặc việc làm sai lệch thực hành di sản đều làm giảm giá trị của di sản và giảm sức hấp dẫn du khách.

Với Hội Gióng tại đền Sóc Sơn và đền Phù Đổng, việc không làm biến đổi giá trị thật của di sản, phát huy vai trò đích thực của cộng đồng, tạo cơ hội cho cộng đồng tự giới thiệu về di sản và đa dạng hóa các trải nghiệm di sản sẽ là nhân tố bảo đảm phát triển du lịch bền vững.

QUANG HUY - Nhân Dân
Cập nhật: 04/02/2015
Lượt xem: 7748
Lên trên