Những lo ngại về sự 'đứt gãy văn hóa' của khoảng 8.000 lễ hội  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Hiện nay cả nước có khoảng 8000 lễ hội nhưng các lễ hội đang có nguy cơ nhất thể hóa. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan chức năng mà của toàn thể xã hội để “vườn hoa lễ hội” thực sự tỏa nhiều hương sắc.

Để lễ hội không bị biến tướng

Những ngày này, hàng loạt lễ hội truyền thống trên địa bàn cả nước đã chính thức khai hội. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH -TT - DL, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, những lễ hội này có ảnh hưởng tới đời sống văn hóa của số đông người dân. Tuy nhiên lễ hội đang có nhiều biến tướng.

Phóng viên báo Thanh niên đã trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực này và đưa ra một số nhận định về sự biến tướng của các lễ hội truyền thống.

Theo PGS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia thì hầu hết những người đại diện của cộng đồng cơ sở đều trưởng thành trong giai đoạn đất nước có chiến tranh. Khi đó, các hoạt động nhằm thực thi truyền dạy về lễ hội không được thực hiện và thậm chí còn hạn chế về nhận thức. Đứt gãy văn hóa là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay, các lễ hội có nguy cơ nhất thể hóa (Ảnh minh họa)

Ông Bình cũng cho biết thêm: “Đa phần các lễ hội làng đều có tính chất tẻ nhạt, đơn điệu do chỉ được phục dựng theo trí nhớ và vận dụng kinh nghiệm từ các nơi khác. Chúng được thực hiện theo kịch bản na ná như nhau, cực kỳ tốn kém và ít hiệu quả”.

Cùng quan điểm với ông Bình, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cũng rất lo về sự giống nhau ngày càng lớn của các lễ hội. Cũng như văn hóa, bản chất của lễ hội là đa dạng. Nhưng giờ đây, sự đa dạng hóa này không còn nữa do sự “nhìn bài, chép bài” giữa các làng, các xã... với nhau. Theo đó, một chương trình được dàn dựng ở tỉnh này rồi cũng được dàn dựng tương tự ở tỉnh khác.

“Mỗi lễ hội đều có cốt cách, sắc thái riêng cuốn hút khách thập phương đến với hội làng mình. Tuy nhiên, hiện nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách thập phương sau một vài lần dự hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa”, GS Thịnh cho biết.

GS Ngô Đức Thịnh đề nghị: “Để khắc phục nguy cơ này, xin đề nghị các địa phương, các làng trong khi phục hồi, phát triển lễ hội cổ truyền thì nên cố gắng tìm tòi, khôi phục và phát huy các nét riêng, độc đáo về văn hóa và lễ hội của địa phương mình, làng mình. Từ nhiều nét riêng, độc đáo đó sẽ góp vào “vườn hoa lễ hội” của chúng ta nhiều sắc hương hơn”.

(Theo Báo Giáo Dục VN)
Cập nhật: 19/02/2013
Lượt xem: 3522
Lên trên