Theo UBND thành phố Hà Nội, lúc 18h20 ngày 16/11 (tức 22h20 giờ Việt Nam), tại thành phố Nairobi, thủ đô của Kenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với lễ hội Gióng, tại phiên họp ngày 16/11, Ủy ban liên chính phủ của UNESCO đã xem xét và công nhận 45 di sản văn hóa phi vật thể của 29 quốc gia.
Như vậy đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 5 di sản phi vật thể được vinh danh là Nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; quan họ; ca trù; hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc.
Lễ hội đền Gióng. Ảnh: VOV.
Hội Gióng cũng là di sản thứ ba của Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010. Trước đó, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Lễ hội Thánh Gióng được tổ chức hàng năm từ ngày 6 đến 12/4 âm lịch, tại làng Gióng, một làng Việt cổ nay thuộc địa phận của bốn làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên của xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.
Trong lễ hội sẽ có những màn diễn xướng độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Lễ hội Thánh Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.
Đoàn Loan