Khai hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn)  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
(HNM) - Ngày 15-2 (mùng 6 tháng Giêng), các làng xã xung quanh khu vực đền Sóc (huyện Sóc Sơn) tưng bừng tổ chức hội Gióng, gợi tích xưa Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, mang lại hòa bình cho đất nước. Những gì diễn ra cho thấy vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị hội Gióng sau hơn 2 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng rõ nét.

Hội Gióng đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Ảnh: Quốc Khánh
Hội Gióng đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Ảnh: Quốc Khánh

Nuôi dưỡng di sản trong cộng đồng

Đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định hội Gióng ở đền Sóc có từ bao giờ, chỉ biết rằng hội tồn tại song hành cùng lịch sử, do cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực đền Sóc gìn giữ, phát huy. PGS, TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận xét: "Tính chủ thể của người dân trong việc tổ chức hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc nói riêng, hội Gióng ở các làng xã Việt Nam nói chung được thể hiện rất rõ. Thông qua các hoạt động vui chơi, những nghi thức hành lễ, người dân gửi gắm mong ước về một đất nước thái bình, no ấm, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu… Thông điệp này đã đưa hội Gióng đến với cộng đồng nhân loại, được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh".

Chuẩn bị cho hội Gióng ở đền Sóc mùa xuân Quý Tỵ, người dân thôn Vệ Linh, xã Phù Linh nhộn nhịp vót hoa tre từ trước Tết Nguyên đán. Ngoài sân đình, các bậc cao niên vừa vót hoa tre vừa kể truyền thuyết Thánh Gióng. Trong các gia đình, già trẻ, trai gái thoăn thoắt chuẩn bị giò hoa tre phát lộc, làm quà lưu niệm cho khách thập phương. Anh Khổng Đức Hùng, người vót hoa tre đẹp bậc nhất thôn Vệ Linh cho biết: Hoa tre là vật mang tính biểu tượng, gắn với nhiều giả thuyết về Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng. Đó là thứ hoa tinh khiết để dâng Thánh. Việc làm giò hoa tre dâng Thánh được hoàn tất vào ngày 5 tháng Giêng, đến rạng ngày mùng 6 (ngày khai hội) làm lễ tiến cống vào đền Thượng.

Không khí chuẩn bị hội Gióng ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược cũng nhộn nhịp không kém. Việc đan voi được các cụ cao tuổi triển khai từ đầu tháng Chạp năm Nhâm Thìn. Voi rước của thôn Dược Thượng trong hội Gióng xuân Quý Tỵ dài 4m, cao 3,7m, tương đương với kích thước voi thật, để làm được tốn gần 60 ngày công, 30 cây tre và rất nhiều giấy. Toàn bộ nguyên liệu làm voi do dân làng đóng góp. Cụ Nguyễn Văn Dần, đại diện người cao tuổi thôn Dược Thượng chia sẻ: "Đan voi là công việc khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sáng tạo. Mất gần 20 năm mày mò, học hỏi, tôi và các cụ mới rút ra được kinh nghiệm, hoàn chỉnh kỹ thuật đan. Tôi đã ghi chép lại chi tiết cách thức đan voi, thế hệ sau chỉ cần nhìn vào là có thể đan được".

Các thôn làng được phân công cúng tiến lễ vật đều chuẩn bị vật phẩm từ giữa tháng Chạp. Thôn Đan Tảo, xã Tân Minh chuẩn bị trầu cau; thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa chuẩn bị ngà voi; thôn Yên Sào, xã Xuân Giang chuẩn bị cỏ voi; thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú chuẩn bị hành lễ rước tướng… Các xã trong vùng phân công người dọn dẹp, làm sạch đền Sóc, sẵn sàng cho ngày khai hội. Vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản hội Gióng còn được thể hiện thông qua việc người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của tổ chức lễ hội, trông coi, bảo tồn, tôn tạo các di tích trong Khu di tích đền Sóc.

Sau khi hội Gióng trở thành di sản văn hóa của nhân loại, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã giúp đỡ người dân thực hành lễ hội đúng với truyền thống, từ trang phục cho tới thứ tự các đoàn rước. Huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân tổ chức lễ hội. Theo phản ánh của người dân sở tại, trước đây, người tham gia đoàn rước có gì mặc nấy, nhưng hiện nay 100% mặc trang phục lễ hội, mỗi bộ phận có một bộ trang phục khác nhau, giúp công chúng nhận rõ đâu là đội tế, đâu là đoàn hộ giá… Đáng nói hơn, sản phẩm hàng lưu niệm ở Khu du lịch - di tích đền Sóc ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài hoa tre, tượng Thánh Gióng bằng gốm, đồng, nhựa đã được sản xuất, giá bán từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dự hội.
 
Các bậc cao niên thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược làm voi rước trong hội Gióng ở đền Sóc xuân Quý Tỵ. Ảnh: Thu Hiền
Các bậc cao niên thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược làm voi rước trong hội Gióng ở đền Sóc xuân Quý Tỵ. Ảnh: Thu Hiền

Sẵn sàng cho lễ hội

Theo nội dung bia đá 8 mặt ngự trên đỉnh núi, phía sau đền Thượng, khởi đầu hội Gióng có 21 tổng, 172 xã, thôn khu vực đền Sóc cùng tham gia. Những xã, thôn này trực tiếp tiến lễ hoặc thờ vọng, trong đó thôn Vệ Linh, xã Phù Linh được sắc chỉ cho tạo lệ, được cấp 53 mẫu ruộng phục vụ cho tế lễ. Ông Nguyễn Nam Nho, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch - di tích đền Sóc cho hay: Mấy năm gần đây, các cơ quan hữu quan cùng với người dân địa phương khôi phục được thêm đoàn rước cầu húc của thôn Xuân Dục, xã Tân Minh và đoàn rước biểu tượng ngựa sắt của thôn Phù Mã, xã Phù Linh, nâng số đoàn rước lễ vật dâng đức Thánh trong lễ hội Gióng lên 8 đoàn, nhưng như thế vẫn còn quá ít so với quy mô hội Gióng thời xưa. Cũng theo ông Nguyễn Nam Nho, hội Gióng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, chủ yếu là do truyền miệng, sử sách không có ghi chép tỉ mỉ, vì vậy, hiện vẫn thiếu căn cứ để khôi phục toàn diện. Hơn thế, ranh giới giữa khu di tích với Học viện Phật giáo còn có chỗ, có nơi chưa rõ ràng, nên việc quy hoạch nơi bán hàng cho dân, nơi tổ chức lễ hội gặp không ít khó khăn.

Về lễ hội đền Sóc năm 2013, ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC lễ hội cho hay: Huyện thành lập BCĐ, BTC lễ hội nhưng chỉ quản lý tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, còn mọi diễn trình, nghi lễ của hội Gióng vẫn do người dân đảm nhiệm. Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong mùa lễ hội trước, năm nay huyện bố trí lực lượng an ninh trật tự trực ở những chốt giao thông quan trọng; tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường với các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực di tích; cấm cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan; giao cho xã Phù Linh bố trí điểm gửi xe ở sân Học viện Phật giáo, sân tượng đài Thánh Gióng và các gia đình gần khu di tích... Tất cả đã sẵn sàng cho lễ hội đền Sóc xuân Quý Tỵ diễn ra trong an toàn, trật tự, văn minh.

Chương trình hành động quốc gia về hội Gióng sau khi được UNESCO vinh danh nêu rõ: Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các cộng đồng thờ Thánh Gióng tổ chức lễ hội như tập quán lâu nay, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội; hỗ trợ cộng đồng các làng có hội Gióng phục hồi đầy đủ hội Gióng; thành lập CLB các làng thờ tự Thánh Gióng; củng cố, nâng cấp BQL di tích lịch sử văn hóa đền Phù Đổng… Đối chiếu với chương trình hành động này thì rõ ràng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị hội Gióng ở đền Sóc có những việc đã làm được, song cũng còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai.

( Theo Báo Hà Nội Mới)
Cập nhật: 04/03/2013
Lượt xem: 1635
Lên trên