Xã Phù Đổng , một trong 31 xã thuộc huyện Gia Lâm. Phía đông giáp xã Trung Mầu, Lệ Chi: phía nam giáp xã Cổ Bi, Đặng Xá, Kim Sơn và Phú Thị; phía tây và phía bắc giáp ba xã Dương Hà, Đình Xuyên và Ninh Hiệp; góc đông bắc giáp xã Phù Chẩn huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc. Xã gồm có các thôn: Đổng Viên, Phù Dực, Phù Đổng và Xóm Mới: Nguyên là đất các xã Đổng Viên, Phù Dực, Phù Đổng, tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trước năm 1961. Sau này đặt làm một xã tên là Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961 nhập vào huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Phù Đổng nằm trong khu quần tụ của người Việt Cổ thuở vua Hùng dựng nước mà ngày nay tên gọi Phù Đổng gắn liền với truyền thuyết người anh hùng làng Gióng lừng lẫy, người có công đầu giúp vua Hùng thứ VI đánh bại quân xâm lược nhà Ân.
Không kể lại ở đây truyền thuyết Thánh Gióng, mà chỉ xin nói qua một ít dấu tích của Thánh Gióng trên đất Phù Đổng, một số ít trong đó đến nay đã bị mai một.
- Trước thôn Đổng Viên ( tên nôm là Gióng Một ) có một tảng đá lớn có một vết sâu lõm ở chính giữa, tựa dấu chân; tương truyền là dấu chân ông Đổng - một con người khổng lồ thường gặp trong các huyền thoại Việt Nam: theo lời kể, mẹ Thánh Gióng, một phụ nữ nghèo chuyên trồng cà, một buổi sáng sớm đi hái cà, đã vô tình dẫm lên dấu chân ông Đổng. Thế rồi bà có thai, bị dân làng mắng nhiếc, bỏ làng lên rừng Trại Nòn sinh sống.
- Cố Viên, tức vườn cũ, nay ở giữa đồng thôn Đổng Viên, tương truyền là vườn cà của mẹ Thánh Gióng, cũng taị đây bà đã dẫm phải dấu chân ông Đổng. Tại Cố Viên có một ngôi nhà nhỏ gọi là cây hương, có khắc hai chữ Hán “Cố Viên”. Tảng đá có dấu chân ông Đổng cũng ở vườn này.
- Miếu Ban, thuộc thôn Phù Dực, tên cũ là rừng Trại Nòn; tương truyền đây là nơi sinh của Thánh Gióng. Sau toà miếu có có một ao nhỏ, giữa ao có gò nổi, trên gò có một bể con bằng đá. Tương truyền Gióng đã sinh ra ở đây, để kỷ niệm Gióng, không biết từ thuở nào nhân dân tạc bể đá tượng trưng cho bồn tắm, và một chiếc liềm bằng đá là dụng cụ cắt rốn người anh hùng thuở lọt lòng.
- Đền Mẫu là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, xây ở ngoài đê.
- Giá Ngự, kiến trúc này được xây dựng lại từ đầu thế kỷ XX với hai cột trụ và bể cao. Tại Giá Ngự vào ngày hội đền mồng 9-4 âm lịch hàng năm, dân làng kéo ngựa thờ gọi là “ Long Giá “đặt ở đây để trông ra khu “ Soi Bia “ cạnh đền Mẫu, nơi biểu diễn điệu múa cờ trong ngày hội.
- Mộ Trâu Đô Thống, ở gần trước đền Phù Đổng, ông người thôn Phù Dực, một trong những tướng tiên phong của Gióng, ông được thờ làm thần hoàng làng Lệ Chi ( xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm)
- Miếu Chợ, thờ ông Trấn Quốc, người làng Phù Đổng, là một tướng tiên phong của Gióng.
- Và đặc biệt là đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng ở Làng Gióng, Đây là một phức hệ kiến trúc tưởng niệm người anh hùng làng Gióng. Ngôi đền nằm sát chân đê bờ bắc sông Đuống. Xuống khỏi chân đê là một ao nước, xưa nay gọi là ao rối, bởi vì giữa ao có một ngôi thuỷ đình có kiến trúc đặc biệt xây từ thế kỷ XVI – XVII dùng làm nơi biểu diễn rối nước. Qua khu vực này bằng một sân rộng là Tam quan đền Thượng (đền Phù Đổng hay gọi là đền Gióng ), kiến trúc Tam quan có niên đại 1705, mới được sửa lại vào thế kỷ trước. Vào khỏi tam quan là các nếp kiến trúc Thiêu Hương, Tiền Tế, hai toà này do Diên quân công ( người làng Phù Dực ) tiến cúng và Đặng Công Chất ( người làng Phù Đổng ) đỗ Trạng nguyên năm 1661 xây dựng. Chính điện thờ Thánh Gióng đặt tượng Gióng ở chính giữa và một số tướng ở xung quanh.Trong đều có nhiều câu đối hoành phi và những đồ thờ tự có giá trị từ thời Lê để lại.
Cùng với hàng trăm dấu tích Thánh Gióng ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Nội, các di tích tưởng niệm Gióng ở Phù Đổng , giúp cho chúng ta nhiều tài liệu quý để nghiên cứu và ghi nhớ sự tích kỳ vĩ đi vào huyền thoại.
Ở Phù Đổng, cạnh đền Gióng có ngôi chùa cổ Kiến Sơ, được xây dựng từ thế kỷ X, là trụ sở của một giáo phát phật truyền vào nước ta từ thiên niên kỷ trước và là nơi Lý Công Uẩn hay lui tới, cho nên khi lên làm vua là Lý Thái Tổ ( 1010 – 1028 ) ông mở mang thêm chùa Kiến Sở, và chính Lý Thái Tổ cũng là người cho xây dựng lại đền Gióng và duy trì các hoạt động tưởng niệm Phù Đổng Thiên Vương.
Với truyền thống lịch sử lâu đời, ngày nay nhân dân xã Phù Đổng phấn đấu xây dựng quê hương của người anh hùng làng Gióng ngày càng tươi đẹp hơn.Với nơn 1.800 hộ và hơn 7.500 nhân khẩu với hơn 600 ha đất canh tác, hàng năm Phù Đổng đóng góp cho Nhà nước 450 tấn thóc, 90 tấn thịt lợn, 700 tấn rau các loại. Thủ công nghiệp cũng là một ưu thế mới của Phù Đổng bốn triệu viên gạch và 7000 m2 thảm xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra hàng năm Phù Đổng còn cung cấp cho các vùng chuyên canh rau đến 20 tấn hạt rau giống.
Kinh tế phát triển, các hoạt động văn hoá , xã hội, thể thao… phát triển theo, các nhà trẻ mẫu giáo ở Phù Đổng được thành tích xuất sắc: “ Hội khoẻ Phù Đổng “ phổ biến của thành phố Hà Nội, có cội nguồn từ người anh hùng làng Gióng được tổ chức đầu tiên ở Phù Đổng là một hoạt động thể thao rèn luyện thân thể mang nhiều ý nghĩa.
Nhân dân xã Phù Đổng đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Chính Phủ và Quốc hội.